Trước đây, việc nhận con nuôi là giải pháp có con duy nhất cho các cặp đôi đồng giới (LGBT) thì hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của y học cùng sự chấp thuận từ luật pháp đã mở ra rất nhiều lựa chọn sinh sản dành cho các cặp đôi LGBT. Một trong số các phương pháp đó là thụ tinh nhân tạo IVF. Nhưng chi phí thụ tinh nhân tạo cho LGBT có đắt đỏ hay không? Cùng Yanhee tìm hiểu trong bài viết sau!
CHI PHÍ THỤ TINH NHÂN TẠO CHO LGBT
Chi phí thụ tinh nhân tạo cho LGBT phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở thực hiện, phác đồ điều trị, trình độ chuyên môn của bác sĩ và các yếu tố y tế khác. Việc chi trả chi phí thụ tinh nhân tạo cho các cặp đồng tính nữ hoặc đồng tính nam có thể khác nhau tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ở một số quốc gia, việc thụ tinh nhân tạo cho các cặp đồng tính nam hoặc đồng tính nữ không được pháp luật cho phép và không được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác, việc thụ tinh nhân tạo cho các cặp đồng tính được xem là hợp pháp và có thể được bảo hiểm y tế chi trả.
Tại Việt Nam, pháp luật cho phép người đồng giới có thể bảo toàn khả năng sinh sản bằng kỹ thuật trữ lạnh phôi và trữ tinh trùng. Nhờ vào điều này, người đồng tính nữ có thể sinh con bằng cách sử dụng tinh trùng hiến tặng. Tuy nhiên, người đồng tính nam gặp khó khăn hơn vì họ cần phải kết hôn để có thể có con. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới đã cho phép các cặp đồng tính nam có thể có con bằng cách sử dụng phương pháp mang thai hộ.
Nhìn chung, chi phí thụ tinh nhân tạo cho LGBT sẽ cao hơn chi phí thụ tinh nhân tạo cho cặp đôi dị tính, vì kèm theo một số quá trình như: xin tinh trùng, trữ trứng, trữ phôi (đối với cặp đôi đồng tính nữ) hoặc trữ tinh trùng, mang thai hộ (đối với cặp đôi đồng tính nam). Do vậy, nếu chi phí thụ tinh nhân tạo cho cặp đôi dị tính thường dao động khoảng 70 – 100tr/phác đồ IVF thì chi phí thụ tinh nhân tạo cho LGBT nữ có thể khoảng 100 – 150tr. Còn đối với cặp đôi đồng tính nam, chi phí thụ tinh nhân tạo phụ thuộc rất nhiều vào chi phí “trả công” cho người mang thai hộ.
Cùng tìm hiểu chi tiết về IVF cho đồng tính nữ:
Về cơ bản quá trình thụ tinh nhân tạo cho LGBT nữ diễn ra gần giống với các cặp đôi dị tính. Khác biệt ở chỗ, các cặp đôi đồng tính nữ có thể cần sử dụng tinh trùng của người quen hoặc sử dụng tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng, trữ đông lạnh trứng hoặc trữ phôi.
Quy trình cụ thể như sau:
- Bước 1: Đánh giá tình trạng sức khỏe: Người muốn mang thai sẽ được kiểm tra sức khỏe để đảm bảo đủ sức khỏe để tham gia vào quá trình thụ tinh nhân tạo.
- Bước 2: Tiêm thuốc kích thích tăng sản xuất trứng: Người muốn mang thai sẽ được tiêm thuốc kích thích tăng sản xuất trứng trong vòng 10 – 12 ngày để tạo ra nhiều trứng hơn.
- Bước 3: Tiêm thuốc giúp phát triển trứng: Sau khi sản lượng trứng đạt mức phù hợp, người muốn mang thai sẽ được tiêm thuốc giúp trứng phát triển để chuẩn bị cho quá trình lấy trứng.
- Bước 4: Lấy trứng: Trong quá trình lấy trứng, bác sĩ sẽ tiêm thuốc để giúp trứng chín, sau đó lấy trứng từ buồng trứng bằng cách chọc đục vào buồng trứng thông qua bụng hoặc bàng quang. Có thể lựa chọn trữ đông trứng nhằm tạo phôi ở một thời điểm khác hoặc tạo phôi ngay lập tức.
- Bước 5: Tạo phôi: Cặp đôi đồng tính nữ có thể chọn sử dụng tinh trùng của một người quen hoặc người hiến tinh trùng. Tuy nhiên, nếu không có người quen hoặc người hiến tinh trùng thì có thể sử dụng tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng. Khi có được tinh trùng và trứng, bác sĩ sẽ thực hiện quá trình thụ tinh tạo thành phôi. Phôi sẽ được nuôi dưỡng trong môi trường đặc biệt trong thời gian từ 2 – 5 ngày.
- Bước 6: Chuyển phôi vào tử cung: Khi phôi phát triển đạt chất lượng, bác sĩ sẽ đưa phôi vào tử cung của người muốn mang thai để bắt đầu hành trình mang thai. Phôi được chuyển vào tử cung ngay được gọi là chuyển phôi tươi, nếu chưa có nhu cầu chuyển liền, phôi sẽ được trữ lại và chuyển vào tử cung ở thời điểm thích hợp.
- Bước 7: Theo dõi quá trình phát triển của thai: Sau khi phôi được cấy vào tử cung, bác sĩ sẽ theo dõi quá trình phát triển của thai trong khoảng 2 tuần để đảm bảo rằng thai phát triển tốt.
Cùng tìm hiểu chi tiết về IVF cho cặp đôi đồng tính nam:
Còn đối với các cặp đôi đồng tính nam, các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp mang thai hộ bằng cách sử dụng trứng của người hiến tặng và nhờ người mang thai hộ nếu người đó đồng thuận. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy tinh trùng của một trong hai người. Sau đó, đem đi thụ tinh với trứng được hiến tặng. Khi trứng và tinh trùng kết hợp với nhau tạo thành phôi trong phòng thí nghiệm thì bác sĩ sẽ chuyển phôi vào cơ thể người mang thai hộ, từ đó thai nhi có thể phát triển khỏe mạnh và chào đời.
Người mang thai hộ thường phải ở độ tuổi từ 21 đến 45, có sức khỏe tốt và đã có ít nhất một con của riêng mình. Điều này rất quan trọng vì bác sĩ cần phải biết tử cung của những người này có khả năng có một thai kỳ đủ tháng hay không hoặc có tiền sử sinh con khỏe mạnh.
Hiện nay đã có rất nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận hôn nhân đồng giới và cho phép các cặp đôi đồng tính nam có thể thực hiện thụ tinh ống nghiệm và mang thai hộ. Tuy nhiên, tại Việt Nam pháp luật vẫn chưa cho phép cho các đôi đồng tính nam có thể thực hiện thụ tinh ống nghiệm với noãn của người hiến tặng và mang thai hộ. Vì vậy, trước khi có bất kỳ quyết định nào, các cặp đôi đồng tính nam nên tìm hiểu thông tin liên quan và được tư vấn cụ thể quy trình với các bác sĩ hỗ trợ sinh sản.