Home Tin Tức Những điều ba mẹ cần biết về sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Những điều ba mẹ cần biết về sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

by admin
0 comment

Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiếm gặp, tuy nhiên bệnh diễn tiến phức tạp, trở nặng nhanh chóng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, nguy cơ gây tử vong cao. Do đó, chủ động phòng ngừa và nhận biết bệnh sớm giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho trẻ.

Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh là gì?

Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Ở trẻ sơ sinh, bệnh có triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ nhầm lẫn và bỏ sót. Bệnh diễn tiến từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây tử vong nhanh chóng nếu trẻ sơ sinh không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Trẻ sơ sinh bị sốt xuất huyết sẽ có các triệu chứng đặc trưng sốt cao dẫn đến xuất huyết da, niêm mạc và trụy tim mạch gây tử vong nếu không được điều trị sốt xuất huyết kịp thời. Do đó, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh là căn bệnh hết sức nguy hiểm mà các bạn không nên coi nhẹ vì bệnh có thể để lại nhiều gánh nặng bệnh tật nặng nề, nhất là ở trẻ em với hệ miễn dịch kém.

Tỷ lệ sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Theo y văn, tỷ lệ sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh thường rất thấp. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiếm gặp và ít phổ biến trên toàn thế giới, thế nhưng trong những năm gần đây, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi cũng bắt đầu xuất hiện với tỷ lệ tăng dần, chiếm khoảng 5 – 6% trong tổng số bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh được đánh giá là bệnh đặc biệt nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong là rất cao.

Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh: Hiếm gặp nhưng gây tử vong nhanh | Báo Giáo  dục và Thời đại Online
Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao, các phụ huynh không nên chủ quan

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị sốt xuất huyết

Vậy nguyên nhân trẻ sơ sinh bị sốt xuất huyết là gì? Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh do virus Dengue lây truyền qua đường muỗi vằn (Aedes aegypti) đốt. Muỗi vằn gây ra sốt xuất huyết ở trẻ bằng cách đốt người mang virus sốt xuất huyết và sẽ đốt đồng thời truyền virus sốt xuất huyết vào cơ thể trẻ sơ sinh. Loại muỗi này phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới.

Trẻ sơ sinh có mẹ từng bị sốt xuất huyết có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn các nhóm đối tượng khác. Nếu gia đình đang sống hoặc đang đi du lịch đến khu vực có dịch sốt xuất huyết; chỉ cần vết cắn của muỗi vằn có chứa virus gây bệnh là trẻ sơ sinh sẽ bị nhiễm bệnh.

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Các triệu chứng và dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh có thể bắt đầu từ 4 ngày đến 2 tuần sau khi bị muỗi vằn đốt. Tương tự như ở trẻ lớn và người trưởng thành, triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh với các triệu chứng điển hình, bao gồm:

  • Sốt cao đột ngột và liên tục;
  • Xuất huyết da;
  • Ói ra máu;
  • Tiêu ra máu;
  • Ít tiểu tiện, phù nề.

Các chuyên gia y tế cho biết, rất ít có trường hợp các bé bị chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng. Đa số bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh khiến các bé có gan to giống như ở những trẻ lớn. Trong khi đó, sốc có thể xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 phát bệnh. Ngoài các triệu chứng sốt xuất huyết phổ biến ở trên, bệnh có thể gây các dấu hiệu khác, không điển hình và xảy ra với tỷ lệ thấp như:

  • Lách to;
  • Co giật;
  • Lơ mơ, hôn mê;
  • Triệu chứng cơ năng không đặc hiệu: Ho, sổ mũi, và tiêu chảy.

Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh thường khiến phụ huynh và ngay cả các y bác sĩ nhầm lẫn với bệnh lý khác như: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa,… Do đó, khi trẻ sơ sinh bị sốt, các phụ huynh rất dễ chủ quan, đưa bé đến nhập viện trễ dẫn tới xử trí không kịp thời. Vì vậy trong thời gian cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng cảnh báo nào, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện uy tín, có chuyên khoa nhi để được thăm khám và chẩn đoán xác định.

Triệu chứng và cách điều trị sốt xuất huyết Dengue | Hoàn Mỹ
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng có tỷ lệ lây nhiễm cao do virus Dengue lây qua đường muỗi đốt

Chẩn đoán sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Thông thường, các phụ huynh có thể nhận biết được trẻ đang mắc sốt xuất huyết qua các triệu chứng xuất hiện trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi bắt đầu sốt:

  • Ngày 1: Trẻ sốt cao đột ngột, mặt và cổ họng đỏ ửng nhưng không đau;
  • Ngày 2: Trẻ vẫn sốt cao và có thể xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết dưới da, bụng, tay, chân, cổ, hay mí mắt;
  • Ngày 3: Các triệu chứng sốt xuất huyết ngày càng rõ rệt hơn, các biện pháp hạ sốt không có hiệu quả, bé có khả năng chảy máu mũi, răng. Lúc này, mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ điều trị gấp.

Bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố dịch tễ, các biểu hiện lâm sàng của bệnh, đồng thời chỉ định xét nghiệm cơ bản đo số lượng bạch cầu, tiểu cầu và và hematocrit để biết có phải trẻ bị sốt xuất huyết hay không. Do đó, bác sĩ sẽ cần mẹ cung cấp đầy đủ các triệu chứng đã xuất hiện ở trẻ và các nguy cơ gây bệnh cho bé để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh và có phương hướng điều trị phù hợp nhất.

Điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

1. Điều trị tại nhà

Hiện không có phương pháp điều trị kháng virus cụ thể cho bệnh sốt xuất huyết. Với trẻ bị triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị tại nhà.

Khi chăm sóc trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết tại nhà, hãy kiểm soát cơn sốt bằng cách cho trẻ uống paracetamol theo chỉ định và dùng nước mát lau da cho trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước và theo dõi các dấu hiệu mất nước. Chẳng hạn như đi tiểu ít hơn, khô miệng, lưỡi hoặc môi, ít hoặc không có nước mắt khi khóc.

2. Điều trị tại cơ sở y tế

Khi phát hiện những triệu chứng sốt xuất huyết nặng ở trẻ sơ sinh; cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay.

Các bác sĩ sẽ truyền dịch truyền tĩnh mạch (IV – Intravenous) và chất điện giải để thay thế những chất bị mất do nôn mửa hoặc tiêu chảy. Nên cho con đi khám sớm để việc điều trị bệnh hiệu quả. Trong những trường hợp nặng hơn; các bác sĩ có thể phải truyền máu.

Trong tất cả các trường hợp nhiễm bệnh sốt xuất huyết; cần cố gắng giữ cho trẻ không bị muỗi đốt. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa bệnh lây lan sang người khác.

Biến chứng sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh bệnh đặc biệt nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong là rất cao. Xét trên phương diện lâm sàng, triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi rất khó chẩn đoán vì trẻ còn quá nhỏ để diễn tả những được triệu chứng trong cơ thể. Hơn nữa, triệu chứng lâm sàng sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh lại tương tự với các bệnh lý khác nên dễ nhầm lẫn. Bệnh cũng diễn tiến khá phức tạp, rất dễ trở nặng, khó dự kiến thời gian xuất hiện sốc cũng như khó tiên lượng kết quả điều trị.

Trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh, là một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Sốt xuất huyết Dengue. Các biến chứng do mắc sốt xuất huyết nặng ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm:

  • Co giật
  • Bại não
  • Tổn thương tim
  • Các cục máu đông
  • Thiệt hại cho gan và phổi
  • Hội chứng sốc do sốt xuất huyết

Ở khía cạnh khác, mức độ biến chứng nghiêm trọng của sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh còn xuất phát từ đặc điểm sinh học thuộc lứa tuổi này, cụ thể:

  • Tỷ lệ dịch chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể;
  • Tương ứng, nhu cầu dịch tối thiểu hàng ngày rất lớn;
  • Hệ tim mạch và chức năng thận vẫn đang phát triển nên kém thích nghi với các rối loạn;
  • Dễ bị rối loạn chức năng tim mạch sớm, cũng như quá tải dịch truyền do thành mao mạch tăng tính thấm nhiều hơn so với đối tượng khác.

Tóm lại, bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi nguy hiểm so với các trẻ lớn và người lớn. Diễn tiến sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh rất phức tạp và khó dự đoán. Do đó, việc chủ động phòng ngừa bệnh và nhận biết sớm các triệu chứng cho trẻ rất quan trọng.

Phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn lây truyền, một số trường hợp rất hiếm lây từ mẹ sang con và vẫn cần theo dõi thêm để nghiên cứu sâu hơn. Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như tại Việt Nam chưa có vắc xin phòng ngừa. Do đó, để chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh, các phụ huynh cần lưu ý phòng bệnh cho con bằng các cách dưới đây:

  • Chủ động phòng bệnh bằng cách dọn dẹp các nơi bùn lầy nước đọng chung quanh nhà, thu dọn vật dụng chứa nước cặn, lưu thông cống rãnh. Nhà cửa thoáng sạch, tránh để tối tăm, bí gió cho muỗi cư trú…
  • Các bể chứa nên nuôi cá diệt lăng quăng. Dùng nhang, phun thuốc hoặc trồng các loại cây như sả, húng quế, bạc hà, hương thảo, ngũ gia bì, tùng thơm… cũng giúp đuổi muỗi. Cha mẹ cho bé mặc quần áo dài tay, chơi chỗ sáng, bôi kem chống muỗi, ngủ mùng bất kể ngày hay đêm.
  • Khi gặp trẻ sơ sinh bị sốt trong một vụ dịch sốt xuất huyết, cơ sở y tế nên nghĩ tới sốt xuất huyết để làm xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời.

Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh có thể trở nặng nhanh chóng, có thể gây sốc do giảm thể tích, suy hô hấp, suy tim, suy thận, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ sơ sinh sẽ có nguy cơ tử vong. Do đó, việc chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết cho trẻ sơ sinh bằng các biện pháp chủ động rất quan trọng để bảo vệ tính mạng và tương lai trẻ.

You may also like