1. Dấu hiệu sa tử cung không nên bỏ qua
Sa sinh dục xảy ra khi cơ sàn chậu và dây chằng căng ra và suy yếu, hỗ trợ không đầy đủ cho tử cung. Tử cung tụt xuống vào trong ống âm đạo hoặc tụt ra ngoài âm đạo. Bệnh được chia thành nhiều cấp độ. Hiện tượng tử cung tụt xuống nhưng vẫn nằm bên trong âm đạo được cho là trường hợp nhẹ nhất. Trường hợp nghiêm trọng nhất là khi tử cung tụt ra khỏi âm đạo và lộ hẳn ra bên ngoài. Ở mỗi cấp độ thì biểu hiện của bệnh khác nhau. Cụ thể như sau:
Biểu hiện bệnh sa sinh dục độ 1: Tử cung sa xuống, thập thò vùng âm đạo. Thông thường, chị em sẽ rất khó nhận biết bệnh ở giai đoạn này vì những biểu hiện sẽ không rõ ràng hay chỉ thoáng qua. Người bệnh lúc này chỉ cảm thấy đau nặng bụng vào trước lúc xảy ra chu kỳ kinh nguyệt. Nếu phải đứng quá lâu hoặc lao động nặng, chị em cũng sẽ có cảm giác đau lưng nhiều hoặc đau vùng bụng dưới. Bên cạnh đó, họ liên tục muốn đi tiểu dù lượng tiểu không nhiều. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày.
Sa tử cung gây đau vùng bụng dưới
Dấu hiệu sa tử cung cấp độ 2: Tử cung lộ ra ngoài âm đạo, thân nằm trong âm đạo. Những biểu hiện bệnh ở giai đoạn này sẽ rõ ràng hơn cấp độ 1. Những cơn đau tức bụng sẽ nặng nề hơn, người bệnh cảm thấy đau khi đại tiện, khí hư nhiều hơn, khí hư hôi, có màu trắng, xuất hiện hiện tượng chảy máu âm đạo mà không phải trong chu kỳ, khi sinh hoạt tình dục có cảm giác như tử cung bị tụt xuống.
Sa tử cung cấp độ 3: Toàn bộ tử cung sa hẳn ra ngoài âm đạo. Khi đã ở giai đoạn này, người bệnh sẽ có những dấu hiệu nghiêm trọng như hiện tượng phù, sưng, có mủ, loét ở âm đạo, thậm chí chảy dịch vàng, sốt cao, táo bón nghiêm trọng. Người bệnh có thể gặp nguy hiểm.
Các chuyên gia khuyến cáo, dấu hiệu của bệnh sa tử cung rất dễ nhầm lẫn với những bệnh phụ khoa khác, chẳng hạn như u nang buồng trứng, u xơ tử cung. Vì thế, bạn không nên chủ quan và hãy đi khám sớm nếu thấy có bất thường.
2. Phụ nữ sinh nhiều lần có nguy cơ cao bị sa tử cung
Phụ nữ sau sinh, đặc biệt là phụ nữ đã từng sinh con nhiều lần sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những thống kê gần đây cho thấy, phần lớn bệnh nhân bị sa tử cung là những phụ nữ từng sinh con trên 3 lần. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bệnh nhân cũng là những phụ nữ lao động nặng, thường xuyên bị tăng áp lực ổ bụng.
Các trường hợp sinh quá nhiều lần hoặc lao động nặng quá sớm sau sinh chính là nguyên nhân khiến cho các cơ, dây chằng có nhiệm vụ nâng đỡ tử cung bị tổn thương, dẫn tới thành tử cung bị tụt xuống âm đạo. Nếu không được khắc phục kịp thời có thể dẫn tới sa các cơ quan vùng chậu. Những trường hợp này tuy không gặp nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại bị tác động rất nhiều đến đời sống sinh hoạt, giảm chất lượng sống của chị em.
Phương pháp điều trị bệnh sa tử cung phổ biến đó là vật lý trị liệu với những bài tập cơ sàn chậu, phương pháp kích thích điện cơ với những bệnh nhân ở cấp độ nhẹ, phẫu thuật với những bệnh nhân ở cấp độ nguy hiểm.
Như vậy có thể khẳng định rằng, với sự phát triển vượt bậc của nền y học hiện đại, chị em không nên quá lo lắng. Cách tốt nhất là hãy lắng nghe cơ thể, chú ý để nhận biết sớm dấu hiệu sa tử cung và đi khám để được kịp thời điều trị.