1. Cân nặng thai nhi như thế nào là hợp lý?
Thông qua việc khám thai định kỳ, mẹ có thể biết chỉ số cân nặng và các chỉ số cơ bản như: đường kính lưỡng đỉnh, chiều dài xương đùi,… của thai nhi nhờ siêu âm, từ đó theo dõi được quá trình phát triển của bé.
Vì sao phải kiểm soát cân nặng thai nhi?
Thai nhi trong bụng mẹ luôn có sự thay đổi và chuyển biến theo từng ngày. Việc theo dõi cân nặng của con sẽ giúp mẹ biết được tình hình sức khỏe và từ đó điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.
Thông qua chỉ số cân nặng thai nhi mẹ có thể biết được sức khỏe của con
Mặc dù con số về cân nặng hay chiều dài đầu mông của thai chỉ mang tính chất tương đối và còn phụ thuộc vào thể trạng của mẹ nhưng nếu sự chênh lệch quá lớn thì các bậc phụ huynh cần phải đến cơ sở y tế để kiểm tra. Vì những trường hợp con thiếu hay thừa cân đều ít nhiều gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.
-
Trường hợp thai nhi thừa cân, đặc biệt là ở giai đoạn cuối thai kỳ thì nguy cơ cao mẹ sẽ phải sinh mổ. Đồng thời em bé sau khi sinh ra nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, suy tuần hoàn,…
-
Trường hợp thai nhi thiếu cân cảnh báo tính trạng cơ thể mẹ suy nhược, thiếu chất, em bé có khả năng bị ngạt, hạ đường huyết, mắc bệnh viêm phổi, đa hồng cầu,… ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện về thể chất, trí não và sức khỏe.
Bảng cân nặng thai nhi đạt chuẩn theo tuần
Thời điểm trước tuần thứ 8, phôi thai đang trong giai đoạn hoàn thiện, quá trình siêu âm chỉ thấy một chấm nhỏ nên cân nặng và chiều dài đầu mông sẽ được xác định sau thời gian này. Để theo dõi quá trình lớn lên của con, mẹ có thể tham khảo bảng cân nặng và chiều dài thai nhi đạt chuẩn theo WHO dưới đây.
Bảng cân nặng và chiều dài của thai nhi chuẩn theo tuần
Không nhất thiết cân nặng của thai nhi phải đạt con số chính xác như trong bảng nên mẹ bầu không cần quá căng thẳng về những thay đổi nhỏ trong chỉ số của em bé.
2. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến cân nặng thai nhi?
Mẹ bầu cần làm gì để kiểm soát cân nặng của con luôn ở mức lý tưởng? Thực tế cân nặng của em bé phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên sẽ có sự khác nhau. Một số yếu tố tác động làm thay đổi cân nặng của thai nhi mà mẹ bầu cần chú ý để giúp các chỉ số của con ở mức tiêu chuẩn là:
Khẩu phần dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt của mẹ
Trong suốt quá trình mang thai hay thậm chí là giai đoạn bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ sau khi sinh thì mọi thay đổi trên cơ thể mẹ cũng đều ảnh hưởng đến con. Trong trường hợp mẹ ăn uống không đầy đủ chất hay ăn quá nhiều có thể khiến cân nặng của em bé sụt hoặc tăng khỏi vùng an toàn.
Lúc này mẹ cần phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày đồng thời xây dựng thời gian nghỉ ngơi, làm việc hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và cho con. Nếu cần thiết bạn có thể tham khảo ý kiến từ các chuyên gia hoặc bác sĩ đang theo dõi sức khỏe.
Chế độ dinh dưỡng của mẹ có ảnh hưởng đến sự thay đổi cân nặng thai nhi
Di truyền
Mặc dù không phải là yếu tố mang tính quyết định nhưng chỉ số cân nặng và chiều dài của thai nhi còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền vóc dáng từ bố, mẹ. Theo nhiều nghiên cứu, vóc dáng của em bé chịu ảnh hưởng khoảng 23% bởi yếu tố di truyền từ cha mẹ.
Đơn thai hay đa thai
Số lượng thai nhi khác nhau thì chỉ số cân nặng cũng sẽ có sự thay đổi. Đa số những trường hợp mẹ mang đa thai thì chỉ số cân nặng cũng như chiều dài sẽ thấp hơn với mức tiêu chuẩn. Vì vậy nên mẹ không cần quá lo lắng trong trường hợp mang nhiều thai mà chỉ số em bé không đạt chuẩn.
Chỉ số cân nặng và tình trạng sức khỏe của mẹ
Theo các chuyên gia, mức tăng cân hợp lý của mẹ bầu trong suốt thời gian mang thai để không làm ảnh hưởng đến em bé là:
-
Đối với thai đơn, mẹ bầu thường tăng khoảng 10 – 12kg.
-
Đối với đa thai, mẹ bầu thường tăng khoảng 16 – 10kg.
-
Ở quý I, mẹ chỉ nên tăng khoảng 1 – 2,5kg.
-
Từ tuần 14 – 28 trung bình tăng 0,5kg mỗi tuần là hợp lý.
Những trường hợp mẹ bầu bị béo phì, tiểu đường hay mắc các bệnh lý khác cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chỉ số cân nặng, chiều dài thai nhi.
Sau khi đã xác định được các yếu tố ảnh hưởng cân nặng thai nhi và dựa vào tình trạng sức khỏe bản thân, mẹ bầu cần phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi để kiểm soát tốt những chỉ số của em bé. Đồng thời, mẹ bầu cần chú ý ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, uống nhiều nước, tránh xa các loại thực phẩm gây hại sức khỏe cho cả mẹ và bé, đặc biệt là những chất kích thích, thức uống có cồn,…
Mẹ cần giữ tinh thần lạc quan, hạn chế các yếu tố dẫn đến stress để tránh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Tái khám định kỳ theo lịch hẹn là cách hữu hiệu để quan sát và theo dõi quá trình con lớn lên.
Tất cả những thay đổi dù lớn hay nhỏ ở cơ thể mẹ bầu đều ít nhiều tác động đến chỉ số cân nặng, chiều dài của em bé trong bụng. Do đó bản thân mẹ bầu cũng như những người thân bên cạnh cần phải xây dựng một chế độ chăm sóc sức khỏe an toàn và hợp lý. Trong những trường hợp cần thiết, có thể tìm đến các chuyên gia để nhờ tư vấn và hỗ trợ.